Nguyên nhân Chính_biến_Thiên_Hưng

Tranh chấp ngôi Thái tử

Vua Lê Thái Tông mất lúc trẻ, chỉ mới 20 tuổi nhưng nhà vua đã có bốn người con trai trước khi mất. Con lớn nhất là Nghi Dân, con thứ hai là Khắc Xương, con thứ ba là Bang Cơ (Lê Nhân Tông sau này), con thứ tư là Tư Thành (Lê Thánh Tông sau này). Vì các hoàng tử đều còn quá nhỏ (chỉ chênh nhau một vài tuổi) nên việc tranh chấp ngôi thái tử xảy ra giữa các bà phi, vợ vua Thái Tông, trong đó có Nguyễn Thị Anh là mẹ của Bang Cơ.

Lê Nghi Dân sinh vào tháng 10 năm 1439, là con lớn nhất vốn đã được lập làm Thái tử một năm sau đó (1440) dù còn ấu thơ, mẹ là Phi tần Dương Thị Bí, khi đó đang rất được vua sủng ái[1]. Nhưng sau đó vua lại thiên vị Nguyễn Thị Anh. Vì thế, tháng 11 năm 1441 Lê Thái Tông phế ngôi Thái tử của Nghi Dân mà lập Bang Cơ khi đó mới khoảng 6 tháng tuổi. Mẹ của Khắc Xương vốn không được vua sủng ái nên không thể tranh chấp ngôi thái tử. Hoàng tử Lê Nghi Dân được phong Lạng Sơn vương, hoàng tử Lê Khắc Xương làm Tân Bình vương[1][2]. Cùng thời gian này, Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao mang thai hoàng tử Lê Tư Thành.

Tháng 8 năm 1442, Lê Thái Tông đột ngột băng ở Lệ Chi Viên, cựu thần Nguyễn Trãi bị vu oan, chịu án tru di tam tộc. Thái tử Bang Cơ khi ấy mới 1 tuổi lên ngôi, tức Lê Nhân Tông, dưới sự bảo trợ của các đại thần là Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ, Đinh Liệt, Lê Bôi. Thần phi Nguyễn Thị Anh lên ngôi Thái hậu nhiếp chính.[1]

Thân thế Lê Nhân Tông

Khi Lê Bang Cơ được lập làm Thái tử, nhiều người trong triều dị nghị rằng, Nguyễn Thị Anh đã có thai trước khi vào cung và Bang Cơ không phải là con vua Thái Tông[3]. Cùng lúc đó, Ngô Thị Ngọc Dao lại có mang sắp sinh. Nguyễn Thị Anh sợ chuyện bại lộ thì con mình sẽ mất ngôi lớn nên tìm cách hại bà Ngọc Dao[4]. Trong khi đó bà Ngọc Dao được vợ chồng Nguyễn TrãiNguyễn Thị Lộ hết sức che chở, mang đi nuôi giấu và sinh được hoàng tử Lê Tư Thành năm 1442.

Sau khi Lê Bang Cơ lên ngôi vua, những lời đồn về thân thế của ông vẫn được truyền tụng, việc ngày càng có nhiều người dị nghị về nguồn gốc của Nhân Tông [5] khiến anh cả là Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân, trước đã nuôi lòng oán hận khi bị truất ngôi thái tử, khi biết được điều này đã quyết tâm làm chính biến[4]. Lê Nhân Tông nghĩ Nghi Dân là anh ruột nên không có ý đề phòng gì cả. Thậm chí ngày 3 tháng 1 năm 1456, Lê Nhân Tông cho mời hoàng huynh Nghi Dân vào cùng ngự yến.[6]

Ngoài các suy đoán căn cứ vào sử sách, gần đây các nhà nghiên cứu nói trên đã tham khảo gia phả dòng họ Đinh là con cháu của công thần Đinh Liệt nhà Hậu Lê và phát hiện nhiều bài thơ của chính Đinh Liệt để lại (được công bố trong "Nhìn lại lịch sử" của họ). Bài thơ được viết bằng chữ Hán nhưng viết theo kiểu ẩn ý, dùng phép nói lái để người đọc suy đoán rằng: Thái tử Lê Bang Cơ (tức vua Lê Nhân Tông) không phải là con vua Lê Thái Tông[3].